Xây dựng hệ thống CSDL dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Thanh Hương
02:13 11/08/2022

Tổng quan

Tên bài toán

Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, tiến tới tăng cường chất lượng công tác quy hoạch phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và chống ùn tắc giao thông.

Mô tả chi tiết vấn đề, bài toán đặt ra

a. Bối cảnh chung

- Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 với nội dung như sau: 

(1) Cao tốc: Đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, bao gồm:

Trục dọc Bắc Nam (02 tuyến): Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe;  Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe. Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.

 (2) Mạng lưới Quốc lộ: gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021), phân chia thành quốc lộ chính yếu và thứ yếu, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III đối với đoạn đường thông thường và cấp IV đối với đoạn khó khăn;

(3) Đường bộ ven biển: Qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh. Bộ GTVT đầu tư đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc; các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các đoạn còn lại trước năm 2030.

- Chính phủ đã giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu để sớm trình chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc, đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

- Hạ tầng giao thông Việt Nam vẫn được coi là “nút thắt” phát triển KT-XH. Trong đó, mạng lưới giao thông đường bộ và đặc biệt là hệ thống đường quốc lộ đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc đảm bảo giao thông vận tải và phát triển KT-XH của đất nước. Các kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới cho thấy, chi 1 đồng cho bảo trì đường bộ sẽ tiết kiệm được 3 đồng khi phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường. Mặt khác trong bối cảnh ngày càng gia tăng khối tài sản đường bộ, vai trò của các hoạt động bảo trì đường bộ đã trở thành rất cần thiết và đặc biệt quan trọng.

- Về phân loại, hiện nay mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Theo quy định của Nghị định số 33/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, công tác quản lý nhà nước, khai thác, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được phân cấp thực hiện từ Trung ương tới địa phương (bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc).

Thực trạng hiện tại

b. Vấn đề quản lý kết cấu hạ tầng 

- Cũng theo Nghị định 33/2019/NĐ-CP, bảo trì đường bộ là thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác. Ngoài 2 hoạt động trên, công tác bảo trì công trình còn bao gồm cả hoạt động kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng công trình.

- Do hệ thống quốc lộ còn nhiều tuyến, đoạn tuyến khai thác nhiều năm, hết thời hạn sử dụng theo khấu hao. Trong khi đó, lưu lượng xe và tải trọng ngày càng tăng cao nhưng nguồn vốn để xây dựng các tuyến thay thế hoặc đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng không đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu (sạt lở, ngập úng,…) cũng ảnh hưởng xấu đến hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, dẫn đến tình trạng hệ thống quốc lộ bị xuống cấp nhanh hơn, thiệt hại lớn, gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông của người dân.

- Tổng cục ĐBVN và các Cục Quản lý đường bộ là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông đường bộ, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra việc thực hiện các công tác quản lý, bảo trì của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị có liên quan.

- Tuần đường là hoạt động tuần tra, kiểm tra để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ trên tuyến đường được giao quản lý. Tuy nhiên, do các tuyến đường cao tốc quốc lộ kéo dài suốt chiều dài đất nước, trong khi đó công tác tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo trì Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở một số nơi chưa thực sự tốt, đặc biệt là về công tác quản lý hành lang đường bộ, kiểm soát xe quá tải, hệ thống thoát nước..., dẫn đến khó khăn trong bảo vệ chất lượng công trình và gây mất an toàn giao thông; 

- Từ năm 2013 khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện, đã tập trung giải quyết các hư hỏng trên hệ thống quốc lộ. Tuy nhiên, nguồn Quỹ Bảo trì Trung ương hiện nay chưa đáp ứng được như cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống quốc lộ. Hiện nay, nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì mới chỉ đáp ứng được 44,05 % nhu cầu bằng nguồn thu sử dụng đường bộ và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy còn 66 % chiều dài quốc lộ quá thời hạn sửa chữa định kỳ vẫn chưa được bảo trì do thiếu vốn.

c. Kết luận 

- Cần thực hiện nhiều giải pháp động bộ để giải quyết các tồn tại trong việc quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, việc giải pháp khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về hỗ trợ công tác quản lý bảo trì, cập nhật đầy đủ và kịp thời tình trạng của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là giải pháp căn cơ, tiết kiệm cần khẩn trương ứng dụng tốt, ứng dụng ngay trong việc xây dựng kế hoạch và theo dõi chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo trì.

- Một hệ thống CSDL dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sẽ xóa bỏ sự chênh lệch số liệu thống kê hiện trạng của mỗi cơ quan, đơn vị, đảm bảo sự đồng bộ trong công tác lập kế hoạch, quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Mong muốn lời giải

Đề xuất lời giải cho bài toán đặt ra 

a. Thể chế và hành lang pháp lý

- Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động các trạm thu phí trong đó quy định việc thu thập dữ liệu.

- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia về dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.

b. Giải pháp kỹ thuật công nghệ

- Xây dựng hệ thống CSDL dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm toàn bộ dữ liệu, thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

- Xây dựng nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu giao thông đường bộ thực hiện thu thập các dữ liệu:

+ Dữ liệu giám sát hành trình và thông tin phương tiện qua trạm thu phí.

+ Dữ liệu đăng kiểm phương tiện (tải trọng).

+ Dữ liệu tổng tải trọng (khối lượng bản thân + khối lượng hàng) từ hệ thống cân tải trọng trên đường cao tốc.

+ Dữ liệu mật độ phương tiện trên các đoạn tuyến cao tốc.

+ Các dữ liệu chuyên ngành, liên quan tới các tài sản Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như CSDL quan trắc cầu dây văng; CSDL quản lý tình trạng mặt đường, CSDL tài sản đường bộ,…

+ Dữ liệu giám sát hành trình: bao gồm cả camera và dữ liệu giám sát hành trình xe (để phân tích mật độ, dự báo tình trạng giao thông trên các đoạn tuyến).

+ Các nguồn BigData: là các dữ liệu từ cộng động được thu thập qua mạng xã hội, ứng dụng tuần đường, ứng dụng phản ảnh hiện trường phục vụ người tham gia giao thông (cần phát triển thêm).

- Xây dựng các ứng dụng thu thập dữ liệu chủ động như hệ thống tuần đường trên thiết bị di động, mạng xã hội giao thông đường bộ,… để người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện chủ động cung cấp thông tin.

- Xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu lớn thực hiện thu thập các dữ liệu:

+ Xây dựng mô hình phân tích, thống kê dựa trên phương pháp thống kê cận biên Macob, đánh giá, phân tích các dữ liệu để đưa ra mô hình ước tính được mật độ giao thông, dự báo về tình trạng, khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông.

+ Hỗ trợ công tác lập kế hoạch bảo trì, quy hoạch luồng giao thông, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ dựa trên mật độ phương tiện.

+ Hỗ trợ điều hành xử lý sự cố giao thông.

Hiện trạng giải quyết vấn đề, bài toán đặt ra

- CSDL dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông đã được quy hoạch xây dựng theo Quyết định 2097/QĐ-BGTVT ban hành kiến trúc chính phủ điện tử bộ giao thông vận tải (Phiên bản 2.0).

- Hầu hết trạm thu phí và giám sát tải trọng các tuyến cao tốc đã được lắp đặt, triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của các trạm. Tuy nhiên chưa dữ liệu chưa được đồng bộ, khai thác phục vụ mục đích phân tích, khai thác đánh giá khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Một số CSDL đã được hình thành như CSDL đăng kiểm phương tiện xe cơ giới, CSDL tài sản đường bộ,... cần chuẩn hóa, kết nối, đồng bộ để hình thành kho dữ liệu dùng chung phục vụ phân tích

Văn bản liên quan

1454/QĐ-TTg

33/2019/NĐ-CP

2097/QĐ-BGTVT

Tổ chức, cá nhân đưa ra bài toán

Họ và tên: Tô Nam Toàn

Chức vụ: Vụ trưởng Vụ KHCN,MT&HTQT - Tổng Cục đường bộ Việt Nam

Điện thoại: 0913585425

Thư điện tử: tnamtoan@yahoo.com

Liên hệ

Đ/c Trần Thị Thanh Hương, Trung tâm CNTT - Bộ Giao thông vận tải

Điện thoại: 0973031435

Thư điện tử: huongtt94@mt.gov.vn

Lời giải 0

Đăng lời giải

Chưa có lời giải