Với tiềm năng, kinh nghiệm và lợi thế sẵn có, thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Qua mấy đợt bùng phát dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các trường học, đặc biệt trong dạy và học trực tuyến. Hiện, 100% bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đều sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và 100% trạm y tế phường, xã sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám, chữa bệnh, quản lý bệnh nhân, quản lý điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý xét nghiệm, quản lý dược, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế.
Với mức độ sẵn sàng cao về ứng dụng công nghệ thông tin, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone với hơn 43%, triển khai kịp thời các ứng dụng góp phần thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 như Bản đồ COVID -19, biểu đồ số liệu COVID -19, thẻ vé đi chợ bằng QR-Code, quản lý khách du lịch trực tuyến...
Đà Nẵng có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu cả nước, với tỷ lệ 276 máy/100 dân, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân tiếp cận, sử dụng Internet. 100% trường học các cấp đã kết nối Internet băng rộng và sử dụng phần mềm quản lý trường học.
Đà Nẵng cũng là địa phương có hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, có trạm cáp quang cập bờ là trạm truyền dẫn quốc tế quan trọng của mạng viễn thông quốc gia, bao gồm 2 tuyến cáp SMW3 và APG với tổng dung lượng rất lớn. Hạ tầng viễn thông công cộng có kết nối nội mạng tốc độ cao.
Đà Nẵng cũng đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định. Thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 350 km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị, băng thông kết nối mạng trục lên đến 40Gbps. Hệ thống wifi công cộng có 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố và khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng để tạo điều kiện cho tổ chức, công dân, du khách có thể kết nối, sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước và kết nối ra mạng Internet.
Trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền đô thị và đang được nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến bao gồm 1 thiết bị quản lý đa điểm cho phép kết nối 75 điểm cầu; đã triển khai các hội nghị, cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến thành phố; từ thành phố đến quận, huyện.
Đà Nẵng còn sở hữu lợi thế lớn về nguồn nhân lực. Trên địa bàn thành phố có 25 trường đại học và cao đẳng có khoa ngành đào tạo về công nghệ thông tin, mỗi năm bổ sung thêm 5.000 nhân lực có trình độ từ bậc đại học, cao đẳng trở lên.
Tính đến cuối năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký ngành nghề hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố khoảng 2.000 doanh nghiệp, nếu tính cả ngành nghề phụ là 7.000 doanh nghiệp. Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp ICT ở Đà Nẵng vẫn đạt tăng trưởng hơn 5%%, đóng góp vào 7,5% GRDP thành phố.
Với hạ tầng viễn thông rộng khắp, đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đã góp phần giảm khoảng cách số, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Ngày 17/6/2021, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết “Về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trước đó, Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực thông minh; Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; Đến năm 2025, thông minh hóa các ứng dụng; Đến năm 2030, thông minh hóa ứng dụng cộng đồng và hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Đà Nẵng xem việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin mang yếu tố quyết định trong việc xây dựng thành công chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Những công nghệ số thai nghén trong nhiều chục năm đã phát triển đột phá và trở nên phổ biến, sẵn sàng, làm động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.
Trong chương trình chuyển đổi số ở địa phương mình, lãnh đạo chính quyền và đội ngũ chuyên môn của thành phố Đà Nẵng xác định: chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà chính là thay đổi tư duy. Đây là hướng đi đúng và mục tiêu mà thành phố này đang hướng đến trong khi tham gia vào lộ trình chuyển đổi số quốc gia.